Diệp lâm chi

Cầu Trường Tiền

Cầu Trường Tiền là cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hương. Cây cầu gắn bó thăng trầm với mảnh đất cố đô, là biểu tượng thiêng liêng và là niềm tự hào của người dân xứ Huế.
Có một người con xa quê nhưng cả cuộc đời vẫn đau đáu hướng về cố đô Huế thân thương. Đó là Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Sanh Dạn, quê ở làng Vân Cù, Hương Toàn, Hương Trà, Thừa Thiên Huế. Cuộc đời và sự nghiệp của Ông có một thời kỳ gắn bó với cầu Trường Tiền.

*
Vào tháng 8 năm 1896 vua Thành Thái chỉ dụ xây cầu. Đây là cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hương, nhưng cũng là cây cầu đầu tiên ở Đông Dương được xây dựng theo kỹ thuật và vật liệu mới của phương Tây.
- Cầu được khởi công vào tháng 4- 1897 và năm 1899 cây cầu hoàn thành. Cầu dài 402,6 m, nếu kể cả đường dẫn thì cầu dài 453m. Cầu có 6 nhịp, mỗi nhịp có 2 vài hình vành lược đối xứng nhau, khẩu độ nhịp là 67m.
Khi ấy cây cầu mang tên: Cầu Thành Thái. Nhưng người dân xứ Huế vẫn quen gọi là cầu Trường Tiền (đầu cầu phía tả ngạn ngày xưa có xưởng đúc tiền Triều Nguyễn). Mầu nguyên bản của cầu là mầu nhũ bạc.
- Năm năm sau, vào năm 1904 (Giáp Thìn), một cơn bão lớn đã quật đổ 4 nhịp xuống lòng sông. Năm 1906 cây cầu đã được sửa lại.
- Đến năm 1937, vua Bảo Đại cho tu sửa lớn (Vua Bảo Đại đăng quang tháng 1-1926). Cầu được mở rộng hành lang hai bên cho người đi bộ và xe đạp. Hành lang ở vị trí đầu nhịp có ban công phình ra, làm chỗ dừng chân.
- Cầu Trường Tiền đã được sửa chữa, trùng tu nhiều lần. Lần gần đây nhất là năm 1991, Công ty Cầu 1 Thăng Long đã sửa chữa lớn, đến năm 1995 thì hoàn thành. Hơn 120 năm tồn tại, cây Cầu mang nhiều tên, nhưng đến lần trùng tu này, Cầu lại về với cái tên ban đầu, thân thương và dung dị trong lòng người dân xứ Huế: Cầu Trường Tiền.
Hiện nay, đầu cầu phía Bắc là phường Phú Hòa có Đại Nội, biểu tượng cho những nét cổ kính lâu đời của Cố đô Huế. Đầu cầu phía Nam là phường Phú Hội, đang sôi động của sự phát triển. Tòa nhà Wincom Plaza cao ngất giữa ngã 6, trung tâm thành phố…

 
*
Ông Nguyễn Sanh Dạn sinh năm 1914 tại làng Vân Cù, Hương Toàn, Hương Trà, Thừa Thiên Huế. Hồi nhỏ ông học rất giỏi, ông Nguyễn Sanh Cương là anh con ông bác kể lại:
…- Mấy anh em thường nhịn ăn sáng để dành tiền cho Nguyễn Sanh Dạn mua sách mà học thêm.
Cụ Nguyễn Sanh Quế, thân sinh ra ông Dạn là một võ quan của triều đình Khải Định – Bảo Đại. Năm 1921, cả gia đình chuyển từ làng Vân Cù lên sinh sống ở kinh thành Huế. Năm 1929 ở tuổi 15, Nguyễn Sanh Dạn thi vào Quốc học Huế, học ngành Sư phạm và năm 1933 ông tốt nghiệp loại xuất sắc chương trình Trung học cơ bản ở Quốc học Huế - là Thủ khoa Trung kỳ.
Ông tự học thêm chương trình cấp 3 và năm 1935 đỗ Tú tài ở Hà Nội. Ông chuyển về dạy học ở Nha Trang và rồi đi làm – Nơi đầu tiên Ông đi làm, như duyên nghiệp, lại là nơi với công việc mà sau này cả cuộc đời Ông dành trọn niềm say mê và trách nhiệm…Đó là Tổng Nha Công chính ở Huế.
Năm 1938, do nổi tiếng là người học giỏi, Nguyễn Sanh Dạn được gọi ra Hà Nội học Trường Cao đẳng Công chính Đông Dương và ông tốt nghiệp năm 1940. Cuối năm 1944, ông tốt nghiệp Kỹ sư Công chính Đông Dương – là một trong 8 người Kỹ sư Công chính đầu tiên của Việt Nam (Lê Khắc, Nguyễn Sanh Dạn, Bùi Văn Các, Nguyễn Nhật Quang, Nguyễn Tuân…).
Từ tháng 3-1945 - ông là Ủy viên Ủy ban Cách mạng tỉnh Bình Thuận. Nhưng về chuyên môn, ông vẫn làm việc ở Tổng Nha Công chính Huế, khi ấy ông Võ Văn Quế làm Giám đốc.
Tháng 12-1946 ông vào bộ đội tại Huế. Khi ấy, Pháp đổ bộ vào Lăng Cô, phía bắc đèo Hải Vân. Để ngăn quân Pháp tấn công ra phía Bắc, các cầu từ đèo Hải Vân ra Huế phải phá, trong đó có cả cầu Trường Tiền.

 
*
Xung quanh vụ phá cầu Trường Tiền, từ trước đến nay có nhiều câu chuyện lan truyền trong các thầy cô giáo và cả sinh viên trường ĐH Xây Dựng. Nhiều người, rất nhiều năm sống chung và làm việc với ông Nguyễn Sanh Dạn, nhưng chưa một lần biết thông tin chính xác về vụ việc này. Vả lại, ông Nguyễn Sanh Dạn là người trầm tĩnh, hướng nội, chẳng khi nào tâm sự về mình, nhất là về đời tư…
Tôi được giao nhiệm vụ chấp bút cho cuốn Lịch sử của Trường ĐH Xây dựng, vì vậy nhiều lần được làm việc trực tiếp với ông. Mặt khác, trong Hội đồng cố vấn cho cuốn sử này, có đầy đủ các Hiệu trưởng và Bí thư Đảng ủy Trường của 6 nhiệm kỳ, nhưng ông là người thẩm định tất cả những sự kiện quan trọng nhất trong quá trình hình thành và phát triển Trường ĐH Xây dựng.
Sáng ngày 29-3-2000, theo lịch hẹn tôi đến làm việc với ông tại nhà riêng, tầng 2 nhà Z8 tập thể Bộ Đại học. Hôm ấy ông nói rất nhiều chuyện… Ở tuổi 86 mà ông vẫn rất minh mẫn, các sự kiện nhớ đến từng chi tiết. Ông nói về quá trình xây dựng lễ đài Ba Đình hồi cuối 1954; Về công trình xây dựng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội năm 1957; Về quá trình thành lập trường ĐH Xây dựng từ năm 1956 đến nay. Ông nói rõ về từng ngành, từng giáo trình, từng phòng thí nghiệm…Ông nhớ và hiểu rõ năng lực của từng người trong đội ngũ thầy giáo rất giỏi, rất tài năng của Trường…Và cuối cùng ông nói về bản thân - Có lẽ đây là lần đầu tiên ông nói về gia đình, về Huế và về cây cầu Trường Tiền…
…Ông kể rằng:
“ Lúc công tác ở Huế, ông Lê Vựa là đại đội trưởng công binh nhận được lệnh của Ủy ban Nhân dân Cách mạng Huế phá cầu Trường Tiền, vì Pháp đã đổ bộ vào Lăng Cô, phía Bắc đèo Hải Vân. Các cây cầu từ Hải Vân ra Huế phải phá. Ông Lê Vựa biết tôi có chuyên môn nên mời tôi đi phá các cầu. Ông Lê Vựa đã phá sập một trụ cầu Huế…Thực chất tôi không muốn phá. Cầu Trường Tiền 6 nhịp hơn 400m, là cây cầu lớn rất quý…”
… Vậy là đã rõ. Đúng là nhân cách của một con người có trái tim đôn hậu, đúng là người con xứ Huế, cũng là chất riêng có của những người làm nghề Xây dựng. Ông là Kỹ sư Công chính đầu tiên của Việt Nam, ông hiểu rõ hơn ai hết giá trị của những công trình do chính con người tạo ra, mà cầu Trường Tiền không những đầu tiên mà mãi mãi vẫn là niềm tự hào trong trái tim của những người con xứ Huế.

 
*
Thầy trò Trường ĐH Xây dựng nhiều người cũng tự hào nói rằng thầy Nguyễn Sanh Dạn đã không đặt mìn phá, nên cây cầu Trường Tiền mới còn đến ngày nay… Cũng không hẳn như vậy đâu, cầu Trường Tiền đã qua nhiều nỗi gian truân lắm.
Chiến tranh là khắc nghiệt, nó vận hành theo những quy luật riêng. Có những cây cầu địch quyết giữ nhưng ta quyết phá, lại có những cây cầu ta quyết giữ nhưng địch quyết phá.
… Cầu Long Biên Hà Nội, cùng thời với cầu Trường Tiền (khởi công 1898, hoàn thành 1902), máy bay Mỹ đã quyết phá: cây cầu đã chịu đựng 14 trận ném bom, phá 6 trụ lớn /20 trụ, đánh sập 7 nhịp/19 nhịp.
… Cầu Trường Tiền cũng đã 3 lần bị sập đổ.
- Năm 1904 (Giáp Thìn) bị cơn bão lớn đánh sập 4 nhịp cầu xuống lòng sông Hương. Năm 1906 cầu được khôi phục lại như cũ.
- Năm 1946 (Bính Tuất) ngày 19-12-1946, lúc 2 giờ sáng như đã nói ở trên, C trưởng công binh Lê Vựa đặt mìn phá 1 trụ phía tả ngạn, sập 2 nhịp cầu. Năm 1953 cầu được khôi phục lại.
- Năm 1968 (Mậu Thân) trong đợt tổng tấn công đầu xuân, vào đêm 7-2-1968, quân Giải phóng dùng 1 tấn thuốc bom, phá trụ cầu thứ 3 phía tả ngạn, nhịp số 4 sập. Cầu được bắc tạm bằng cầu phao qua sông Hương. Đến năm 1991, được trùng tu lớn nên đến năm 1995 mới hoàn thành, cho đến ngày nay.
Những cây cầu đó là chứng nhân lịch sử…


*
Lại cũng có những suy luận cho rằng, vì không thực hiện lệnh phá cầu Trường Tiền, nên ông Nguyễn Sanh Dạn hình như bị tòa án binh kết án, hình như cứ bị “ kìm ”mãi vẫn là Q. Hiệu trưởng ?
Không phải như vậy !
- Cầu Trường Tiền bị đặt mìn phá vào đêm 19-12-1946, thì ngay trong tháng 12-1946 ông Nguyễn Chí Thanh là Bí thư Khu ủy Khu 4, Chủ tịch UBND Cách mạng Trung Bộ đã mời ông Nguyễn Sanh Dạn sang gặp và giao nhiệm vụ làm Giám đốc Công chính Bắc Trung bộ.
Năm 1947 ông được giao làm Trưởng ban công binh Liên khu 4. Năm 1948 ông được điều động lên chiến khu Việt Bắc làm Giám đốc Nha Kỹ thuật Công binh tại Việt Bắc, Tham mưu phó Trung đoàn Công binh 151, Chủ nhiệm khoa của Trường sỹ quan công binh… Ông là một trong những cán bộ quân đội đầu tiên có công xây dựng Binh chủng Công binh Việt Nam…
Mười năm trong quân đội của ông là vậy (1946-1956). Hai mươi mốt năm tiếp theo (1956-1977), ông cống hiến toàn bộ sức lực và trí tuệ của mình cho sự nghiệp giáo dục đại học, cụ thể là “ cống hiến cho Trường ĐH Xây dựng có vị trí cao trong mạng lưới… ” (Ông tâm sự như vậy)…
… Vậy nên, người viết bài này khẳng định những suy luận như trên không đúng. Có một nguyên nhân khác mà bài viết này không đề cập đến… Vận mệnh của mỗi con người nhiều khi do thời cuộc định đoạt…
… Chỉ biết rằng, cầu Trường Tiền gắn bó với ông Nguyễn Sanh Dạn, gắn bó với mọi người dân xứ Huế và gắn bó với tất cả chúng ta.
---------
Hà Nội, tháng 6 – 2019
(Nguồn ảnh và bài viết: Fb Phong Vũ – Cựu sinh viên trường ĐHXD)

Các tin khác

Tin nổi bật

Hình ảnh

Video

CONSTRUCTION
COTABIG
COTANA DESIGN
DECOR
ENE
GREEN
ICCBig
INFRACO
INVESTMENT
KING LAND